Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

2/5/2013: "Đơn Tố cáo & Tố giác công an lộng hành"

Ngày 8/9/2011 "Tâm công an" (CSCĐ) dẫn côn đồ đến hành hung.
Hình do tổ BS cấp cứu BV Sài Gòn Sài Gòn chụp


Ngày 2/3/2013 côn đồ giật máy chụp hình và hành hung 
nhưng chúng được Công an phường 28, Bình Thạnh bao che.



Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 05 năm 2013

ĐƠN TỐ CÁO và TỐ GIÁC
(Tố cáo vụ án giết người & Tố giác công an lộng hành)

Kính gởi:     - Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP HCM
                    - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh
          - Chánh Thanh tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh


Đồng kính gởi:       - Chánh Thanh tra bộ Công an
- Trung tướng TRẦN ĐƠN, Tư lệnh Quân khu 7
- Tư lệnh bộ tư lệnh TP.HCM
- Đại tướng TRẦN ĐẠI QUANG Bộ trưởng bộ Công an
- Đại Tướng PHÙNG QUANG THANH Bộ trưởng bộ Quốc phòng
- Các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình.


I.               Người tố cáo, tố giác:
-        Họ tên: HUỲNH CÔNG THUẬN. CMND: 330668464. Hiện tạm trú tại số 280/14A đường Huỳnh Văn Bánh, Phường 11, Quận Phú Nhuận, TP.HCM. 
- Điện thoại: 0983323336 - Email: huynhcongthuan@gmail.com
II.            Tố cáo vụ án giết người:
Vào lúc 9g30 ngày 8-9-2011 đang ngồi quán café cốc trước trụ sở Ngân Hàng Vietcombank TPHCM ở bến Chương Dương (nay là đường Võ Văn Kiệt) có người đến gây sự và sau đó anh ta dẫn theo 2 tên côn đồ mình đầy hình xâm đến, một tên ra phía sau dùng vỏ chai thủy tinh đập mạnh vào đầu tôi máu tuôn xối xả từ đầu xuống ướt cả áo quần, ướt cả bàn ghế, vợ chồng chủ quán café can ngăn và gọi anh ta là “Tâm công an”. May mắn có một người tốt bụng đưa tôi đến bệnh viện đa khoa Sài Gòn cấp cứu. Khi bảo vệ bệnh viện dìu vào đến nơi tôi lã người với mắt mũi tay chân quần áo đầy máu là lúc 10g30…
Sau khi cấp cứu, khâu may vết thương xong bác sĩ cho biết trường hợp này cần phải đưa ra pháp luật nên lập hồ sơ bệnh án rất kỷ để cấp giấy chứng thương. Qua tổng đài được biết thuộc phường Nguyễn Thái Bình, gọi đến công an phường Nguyễn Thái Bình được trả lời phải đích thân đến trình báo chứ không nhận qua điện thoại, sáng hôm sau 9-9-2011 sau khi được bác sĩ khám tôi xin phép bác sĩ đến công an trình báo thì bác sĩ không cho tôi rời bệnh viện, một lần nửa tôi gọi đến công an phường Nguyễn Thái Bình, sau đó vào khoảng 9 giờ cùng ngày có người đến gặp hỏi han nhưng chỉ hỏi và hứa miệng là sẽ điều tra nhân vật “Tâm công an” là ai và sẽ giải quyết đến nơi đến chốn, nhưng sau đó im lặng không báo gì cả (sau khi ra viện đến công an phường Nguyễn Thái Bình tôi biết đó là cán bộ tên Hương).
Ngày 12/9/2011 khi còn đang nằm bệnh viện tôi đã làm ĐƠN TỐ CÁO ĐỀ NGHỊ KHỞI TỐ gởi đến Trưởng Công an phường Nguyễn Thái Bình, Trưởng Công an Quận 1 và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân quận 1, TP.HCM. Nhưng mãi cho đến nay không công bố quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố đến tôi theo quy định.
Trong thời gian qua tôi đã phát hiện nhận diện được một số người có liên quan đến vụ án giết người có tổ chức đối với tôi như sau:
1.     Vào tháng 11/2011 khi đang chạy xe máy tại khu vực phường 10, quận Phú Nhuận đã bị người chặn đường hăm dọa buộc tôi phải rút đơn tố cáo. Người này tự xưng là công an nhưng không đưa ra được bất kỳ giấy công tác, giấy giới thiệu hay giấy tờ gì có thể gọi là thi hành công vụ, đã có lần người này lợi dụng sự quen biết cá nhân nhờ địa phương viết giấy mời tôi, thậm chí có lần giật điện thoại, khi tri hô kêu cứu thì nạn nhân (tôi) lại bị bắt giử cả người lẫn xe (người này khi xưng tên Phát, khi Văn).
2.     Ngày 1/7/2012 khoảng 9g30 tôi đậu xe bên đường Phạm Hồng Thái chờ đón chủ ở trong KS New World, khi xuống mua nước uống thì người này từ phía sau tiếp cận hỏi mượn điện thoại, không cho thì liền thò tay giật nhưng điện thoại để trong bao nên không giật được, tôi bỏ chạy tri hô nhưng vẫn bị đuổi theo, khi đã vào trong xe bấm gọi tổng đài công an thành phố (08.38387344) người này còn thò tay vào xe giật nhưng bị vướng kính xe nên không giật được, khi công an phường Bến Thành đến thì người giật điện thoại của tôi kề tai nói nhỏ, Công an không hỏi đầu đuôi lại thu giử tất cả giấy tờ xe ôtô, giấy CMND đồng thời buộc tôi lái xe về trụ sở công an phường giam giử cả người lẫn xe ôtô, lại đưa tôi vào chung phòng với những người đã giật điện thoại, nhiều lần phản đối yêu cầu lập biên bản nhưng chẳng những đã không được lại bị mấy người này ép buộc tôi phải đưa điện thoại cho họ, khi chủ tôi gọi điện thoại bảo tôi đưa xe vào đón những người này nói mỉa mai bảo “đón taxi mà đi”, bị thu giử tất cả giấy tờ xe, giấy tùy thân và giam giử cả người lẫn xe ôtô từ 9g30 sáng đến 17g30 chiều mà không hề lập biên bản, đến chiều khi người tự xưng tên Tuấn (đi chung với người giựt điện thoại) trả giấy tờ cho về, tôi phát hiện xe ôtô bị phá hoại đập móp, yêu cầu lập biên bản nhưng tất cả cán bộ công an phường bỏ đi chỉ có dân phòng ở lại.
3.     Khoảng 7g30 sáng ngày 28/12/2012, đang điều khiển xe máy trên đường Độc Lập - Quận Tân Phú đến trước trường mầm non Hồng Ân (số nhà 203) bỗng bị chặn đường, ép xe và giật chìa khóa xe của tôi. Trong khi đang cố giử thì phía sau có thêm mấy người nữa (trong số đó có người từng giật điện thoại của tôi tại KS New World ngày 1/7/2012) buộc lòng tôi phải bỏ xe chạy bộ tri hô kêu cứu, chạy đến bệnh viện Phú Thọ thấy có mấy người bảo vệ, tôi chạy vào cầu cứu nhờ bảo vệ bệnh viện gọi công an. Khi đã vào ngồi trên băng ghế phía trong khuôn viên bệnh viện nhưng họ vẫn đuổi theo giật cái tai nghe không dây của tôi (tai nghe Bluetooth). Khoảng 10 phút sau, công an đến nhưng người chặn xe, giật chìa khóa xe và tai nghe của tôi kề tai nói nhỏ với anh công an, ngay lập tức, công an đã vô cớ cưỡng chế tôi về trụ sở công an phường Tân Quý - Quận Tân Phú. Tại trụ sở công an đã đẩy tôi vào chung phòng với 4 người kia, tôi phản đối và yêu cầu lập biên bản nhưng chẳng những đã đã không lập biên bản công an phường còn bảo kê cho những người cướp giật, ép buộc tôi không được dùng điện thoại và bắt tôi phải tháo đồng hồ ra để lên bàn cùng với điện thoại. Thừa lúc tôi đi vệ sinh, những người này lén lấy điện thoại và đồng hồ của tôi, khi phát hiện, tôi phải phản đối dữ lắm thì họ mới chịu trả lại điện thoại (để lại lên bàn) còn cái đồng hồ của tôi mới mua còn bảo hành họ không trả lại. Sau đó tôi phát hiện họ đã truy cập trái phép vào điện thoại của tôi. Đến 19h45 tối họ mới trả lại đồng hồ trong tình trạng đã bị họcạy phá hư xé rách tem bảo hành. Tôi yêu cầu công an phường lập biên bản không được, yêu cầu ghi vào sổ trực cũng không được.
4.     Trước đó vào tháng 7/2011 khi vào trụ ATM tôi đã phát hiện bị lén lút theo dõi, bỏ đi đến trụ ATM khác cũng bị theo, thậm chí vào điểm giao dịch có kính chống nhìn trộm nhưng họ cũng cố nhìn vào. Riêng tại căn nhà mà tôi hiện đang ở, vào tháng 6/2012 khi đi vắng đã bị kẻ gian bẻ khóa đột nhập, khi về tôi đã báo đến công an, sau đó có việc đi vắng, qua nhà kế cận nhờ trông giúp thì được nói nhỏ cho biết là công an đó không phải trộm đâu, hỏi sao biết, được trả lời là có người tự xưng là công an vào nhà nói với mẹ? Sau đó tôi lưu ý quan sát thì thấy chính người giật điện thoại của tôi là một trong những người lén lút rình nhà tôi, sau đó 2 lần nữa bị trộm (2 laptop) nhưng tôi không báo đến công an làm gì cho mất công.
Nay tôi tố cáo vụ án tổ chức giết người ĐƠN TỐ CÁO ĐỀ NGHỊ KHỞI TỐ đã gởi ngày 12/9/2011, nhưng mãi đến nay không công bố quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố, lại còn rò rĩ thông tin đến những kẻ liên quan với các chứng cứ sau:
·        Sau khi tên “Tâm công an” dẫn côn đồ hành hung tôi phải vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Sài Gòn 6 ngày, khi ra viện tôi có đề nghị giao nộpbộ đồ máu cho công an làm tang chứng, nhưng cán bộ Hương bảo không cần, khi tôi đến thì cán bộ Hương lại đưa “Tâm công an” đến nhận mặt tôi, vì sợ sẽ bị truy sát bịt miệng nên tôi đã cực lực phản đối việc này, sau đó nhờ một dân phòng cho tôi biết Tâm là cảnh sát cơ động.
·        Công an Quận 1 đã thụ lý ĐƠN TỐ CÁO ĐỀ NGHỊ KHỞI TỐ nhưng sau đó tôi phát hiện thông tin việc tố cáo của tôi đã bị rò rỉ, vào tháng 10/2011 khi đang chạy xe máy tại khu vực phường 10, quận Phú Nhuận tôi bị chặn đường hăm dọa buộc tôi phải rút đơn tố cáo. Ngày 1/7/2012 cũng chính người này đã cướp giật điện thoại của tôi.
·        Ngày 28/12/2012 tôi bị chặn xe, giật giật tai nghe, sau đó bị lấy điện thoại, đồng hồ và phá hư đồng hồ của tôi, còn đe dọa việc tôi đã tố cáo vụ án tổ chức giết người trước ngân hàng Vietcombank. (người này tự xưng tên là Minh, Huỳnh Công Minh).
III. Tố giác công an lộng hành:
Ngoài ra, còn những vụ việc áp bức bất công khác do công an và những kẻ tự xưng là công an lộng hành ngang nhiên đập phá tài sản, hành hung và làm nhục người dân ngay trên đường phố, trong đồn công an lẫn trong trại giam, đơn cử một vài việc cụ thể như sau:
1.     Tối 13/7/2012, một số bạn bè tham dự sinh nhật 3 người bạn: Trịnh Kim Tiến, Lê Ngọc Hồ Điệp và Bùi Minh Hằng tại quán Hương Đồng 4 (quận Bình Thạnh). Khi ra về Lê Quốc Quyết cho mấy người phụ nữ quá giang về đã bị 8 người bám theo xe gây sự, họ đã đập bể nát kiếng bên hông phải và kiếng sau xe ôtô, còn thò tay vào hành hung phụ nữ trong xe, cô Nguyễn Hoàng Vi vị đánh bầm mặt, chảy máu tay...  Trước tình trạng đó, mọi người quyết định chạy kiếm đồn công an, khi hỏi thăm người dân đồn công an gần nhất ở đâu, một tên côn đồ đã nói: "Tao là công an nè. Tụi mày ngon gọi công an đi!" và đám người này vẫn tiếp tục đuổi theo hành hung mà không ai dám can ngăn vì họ xưng là công an, khi xe chạy đến trước cổng doanh trại quân khu 7 trên đường Hoàng Văn Thụ liền tấp vào kêu cứu, bọn họ mới buông tha nhưng vẫn đứng gần đó chứ không hề bỏ đi... Một người chỉ huy ra nói rằng đã gọi công an nhưng chờ mãi không thấy công an đến, đành phải chạy xe đi tiếp trong sự đeo bám của những người này.
2.     Ngày 28/12/2012 cô Nguyễn Hoàng Vi bị một số người xông vào bắt ngay trên đường phố, sau đó đưa vào công an phường Nguyễn Cư trinh xâm phạm thân thể, còn cởi đồ quay phim làm nhục... Ngày 4/1/2013 cô Hoàng Vi đã gởi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng TP.HCM và Quốc hội. Trong đơn tố cáo, cô Hoàng Vi “kêu gọi tất cả những cá nhân và tổ chức cùng quan tâm, giúp đỡ và lên tiếng bảo vệ, để những hành vi tương tự sẽ không còn tái diễn đối với những công dân khác” nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa giải quyết. Ngày 2/3/2013 sau buổi sinh nhật 3 chị em Hoàng Vi, một số người đã chặn đường cướp giật máy chụp hình và hành hung anh Lê Hoàng Tân, khi gọi báo công an đến thì công an phường 28 Quận Bình Thạnh lại bao che cho những người này.
3.     Và mới đây, ngày 26/04/2013 bà Nguyễn Thị Nhung đến thăm con gái là SV Nguyễn Phương Uyên bị bắt một cách mờ ám và bị giam từ tháng 10/2012, rất bất ngờ thấy nhiều thương tích trên cơ thể con gái, bé Uyên đã kể với mẹ bị đánh đập đến ngất trong trại giam, trong khi cán bộ trại giam lại nói Phương Uyên bị lên cơn co giật vì động kinh. Bà Nhung cho biết từ nhỏ đến lớn bé Uyên không hề có chứng bệnh lạ đó.
Kính thưa, Công an có nhiệm vụ bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân cũng như bảo vệ pháp luật Nhà Nước. Nhưng ở đây công an không những đã không làm tròn nhiệm vụ ngược lại còn vi phạm pháp luật, nhất là tình trạng những người tự xưng là công an lộng hành ngang nhiên khủng bố hành hung người dân ngay trên đường phố là không thể chấp nhận nhưng người dân chúng tôi không biết phải kêu vào đâu ?.
Nay yêu cầu:
- Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh những tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ án tổ chức giết người đối với tôi ngày 8/9/2011.
- Những tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ án tổ chức giết người này phải công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại về danh dự và những tổn thất trong công việc của tôi.
Đặc biệt yêu cầu:
Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng bộ Quốc phòng và các Tướng Lãnh quân đội hãy có biện pháp giúp đở người dân chúng tôi trừng trị những kẻ tự xưng là công an lộng hành ngang nhiên khủng bố hành hung người dân ngay trên đường phố.
Khi quyết định công khai tố cáo và tố giác những việc áp bức bất công do những người tự xưng, tự nhận là “công an” ngang nhiên vi phạm pháp luật là tôi đã chấp nhận mọi nguy hiểm, nhưng tôi tin vào việc làm của mình, tôi tin vào lẽ phải, tin vào công lý và sự thật, cái giá mà tôi phải trả nếu có chỉ là bản thân tôi đổi lại là những kẻ thủ ác sẽ bị đưa ra ánh sáng, để các thế hệ mai sau sẽ không bao giờ còn phải sống dưới bất kỳ hình thức áp bức bất công phi lý nào.
Tôi xin khẳng định:
Tôi sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất đưa đến, nhưng tuyệt đối không tự thiêu, không tự sát và không bao giờ tự nguyện xin vào trụ sở công an tự tử. Nếu sau này có lời khai nào không đúng với những tố cáo này, tức là không phải của tôi, do tôi. Nhất là những lời tự thú nếu có thì chắc chắn là do bị ép buộc hoặc bị cắt ghép làm sai sự thật.
LƯU Ý:
·        Yêu cầu các cơ quan hửu trách trả lời bằng văn bản đúng theo quy định của pháp luật.
·        Trường hợp mời làm việc phải lập biên bản trung thực và người tố cáo phải giử một bản, điều này phải ghi rõ vào giấy mời, nếu không yêu cầu đừng mời.

Trân trọng
                                                                  Huỳnh Công Thuận

Biên nhận gởi đơn ngày 2/5/2013

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc



Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc
Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217 (III), ngày 10 tháng 12 năm 1948.

·       Nhà nước Việt Nam đã cam kết tôn trọng khi ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và hiện đang tranh cử một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

·       Đây là các quy định mà chính Việt Nam tự chấp thuận khi trở thành thành viên ký kết vào Công ước quốc tế về quyền dân sự và quyền chính trị của công dân:

·       Việt Nam đã đồng ý với thế giới rằng tất cả mọi người dân đều có quyền được tự do bày tỏ quan điểm chính trị và tự do lập hội.
 

Xét rằng: Sự công nhận nhân phẩm của tất cả con người trong đại gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Xét rằng: Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng sự tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
Xét rằng: Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức.
Xét rằng: Mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia cần được khuyến khích và mở rộng.
Xét rằng: Trong Hiến Chương, các dân tộc của cộng đồng Liên Hiệp Quốc đã lại một lần nữa xác định niềm tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị con người, vào quyền bình đẳng nam nữ và cũng đã quyết định cổ vũ cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn.
Xét rằng: Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
Xét rằng: Sự hiểu biết chung về nhân quyền và tự do là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên.
Do đó, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc long trọng công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và thành phần của xã hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản Tuyên Ngôn, dùng sự truyền đạt và giáo dục, để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.
Mặt khác, bằng những phương thức tiến bộ trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, phải bảo đảm sự thừa nhận và tuân hành Bản Tuyên Ngôn một cách có hiệu lực, trong các dân tộc của các nước thành viên, và ngay cả trong những người dân sống trên các phần đất thuộc quyền cai quản của các nước đó.

 

LỜI NÓI ĐẦU

Với nhận thức rằng:
Việc thừa nhận nhân phẩm vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới,
Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo, xâm phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận và tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực được coi là nguyện vọng cao cả nhất của loài người,
Nhân guyền phải được pháp luật bảo vệ để mỗi người không buộc phải nổi loạn như là biện pháp cuối cùng để chống lại chế độ cường quyền và áp bức,
Cần phải khuyến khích việc phát triển quan hệ bằng hữu giữa các dân tộc,
Nhân dân các nước thành viên Liên Hợp Quốc trong bản Hiến chương đã một lần nữa khẳng định niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm, vào giá trị của mỗi người, vào quyền bình đẳng nam nữ, và đã bầy tỏ quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như xây dựng các điều kiện sống tốt hơn, tự do hơn.
Các nước thành viên đã cam kết, cùng với tổ chức Liên Hợp Quốc, phấn đấu thúc đẩy mọi người tôn trọng và thực hiện các quyền cũng như nhũng tự do cơ bản của con người.
Nhận thức thống nhất về những quyền và tự do đó của con người là yếu tố quan trọng nhất cho việc thực hiện đầy đủ cam kết này.
Nay, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố:
Bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền này là thước đo chung cho tất cả các nước và tất cả các dân tộc đánh giá việc thực hiện mục tiêu mà mọi cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội, trên cơ sở luôn ghi nhớ Bản tuyên ngôn này, sẽ phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người thông qua truyền bá và giáo dục, cũng như sẽ phấn đấu đảm bảo cho mọi người dân, ở chính các nước thành viên của Liên Hợp Quốc và ở các lãnh thổ thuộc quyền quản lý của mình, công nhận và thực hiện những quyền và tự do đó một cách có hiệu quả thông qua những biện pháp tích cực, trong phạm vi quốc gia hay quốc tế.

Điều 1

Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.

Điều 2

Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị xã hội.

Điều 3

Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân.

Điều 4

Không ai phải làm nô lệ hay bị cưỡng bức làm việc như nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị ngăn cấm.

Điều 5

Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.

Điều 6

Mọi người đều có quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi.

Điều 7

Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy.

Điều 8

Mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bênh vực theo pháp luật trước những hành vi vi phạm các quyền cơ bản do hiến pháp hay luật pháp quy định.

Điều 9

Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán.

Điều 10

Mọi người, với tư cách bình đẳng về mọi phương diện, đều có quyền đươc một toà án độc lập và vô tư phân xử công bằng và công khai để xác định quyền, nghĩa vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội nào đối với người đó.

Điều 11

1.       Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó dã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.
2.       Không ai bị kết tội hình sự vì một hành vi hay sự tắc trách không bị coi là một tội hình sự theo quy định của luật pháp quốc gia hay quốc tế vào thời điểm đó. Cũng như không cho phép áp dụng hình thức xử phạt đối với một tội hình sự nặng hơn so với quy định của luật pháp lúc bấy giờ cho mức độ phạm tội cụ thể như vậy.

Điều 12

Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Điều 13

1.       Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia.
2.       Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.

Điều 14

1.       Mọi người đều có quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở những nước khác khi bị ngược đãi.
2.       Quyền này không được áp dụng trong trường hợp đương sự bị truy tố vì những tội không mang tính chất chính trị hay vì những hành vi đi ngược lại mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Điều 15

1.       Mọi người đều có quyền nhập quốc tịch của một nước nào đó.
2.       Không ai bị tước đoạt quốc tịch của mình hay bị khước từ quyền được thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.

Điều 16

1.       Nam hay nữ đến tuổi thành niên đều có quyền hôn nhân và xây dựng gia đình mà không có bất cứ một hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong cuộc sông vợ chồng và lúc ly hôn.
2.       Việc kết hôn chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cả hai bên.
3.       Gia đình là một đơn vị tự nhiên và cơ bản của xã hội và được xã hội và nhà nước bảo vệ.

Điều 17

1.       Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác.
2.       Không ai bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc doán.

Điều 18

Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, ý thức và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới hình thức truyền bá, thực hành, thờ phụng hoặc lễ tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, công khai hay riêng tư.

Điều 19

Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.

Điều 20

1.       Mọi người đều có quyền tự do họp hành và tham gia hiệp hội một cách hoà bình.
2.       Không ai bị bắt buộc phải tham gia một hiệp hội nào.

Điều 21

1.       Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của nước mình, một cách trực tiếp hay thông qua những đại diện được tự do lựa chọn.
2.       Mọi người đều có quyền được hưởng các dịch vụ công cộng của đất nước mình một cách bình đẳng.
3.       Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông và bình đẳng và được thực hiện qua bỏ phiếu kín hoặc qua các thủ tục bỏ phiếu tự do tương tự.

Điều 22

Với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội cũng như được thực hiện các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá không thể thiếu đối với nhân phẩm và tự do phát triển nhân cách của mình, thông qua nỗ lực quốc gia, hợp tác quốc tế và phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia.

Điều 23

1.       Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn công việc, được hưởng điều diện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống lại tình trạng thất nghiệp.
2.       Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho công việc như nhau, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
3.       Mọi người đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và thuận lợi đảm bảo cho sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm và được hỗ trợ thêm từ các hình thức bảo trợ xã hội khác, nếu cần thiết.
4.       Mọi ngượi đều có quyền thành lập và tham gia các tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Điều 24

Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả quyền được hạn chế hợp lý về số giờ làm việc và hưởng những ngày nghỉ định kỳ được trả lương.

Điều 25

1.       Mọi người đều có quyền được hưởng mức sống đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các mặt ăn, mặc, ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết khác, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, goá bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng kiểm soát của mình.
2.       Các bà mẹ và trẻ em cần được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Tất cả trẻ em, sinh ra trong hoặc ngoài giá thú, đều được hưởng mức độ bảo trợ xã hội như nhau.

Điều 26

1.       Mọi người đều có quyền được học hành. Phải áp dụng chế độ giáo dục miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và giáo dục cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải mang tính phổ thông, và giáo dục cao học phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có đủ khả năng.
2.       Giáo dục phải hướng tới mục tiêu giúp con người phát triển đầy đủ nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng đối với các quyền và tự do cơ bản của con người. Giáo dục phải tăng cường sự hiểu biết, lòng vị tha và tình bằng hữu giữa tất cả các dân tộc, các nhóm tôn giáo và chủng tộc, cũng như phải đẩy mạnh các hoạt động của Liên Hợp Quốc vì mục đích gìn giữ hoà bình.
3.       Cha, mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn loại hình giáo dục cho con cái.

Điều 27

1.       Mọi người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia xẻ những thành tựu và lợi ích của tiến bộ khoa học.
2.       Mọi người đều có quyền được bảo hộ đối với những quyền lợi về vật chất và tinh thần xuất phát từ công trình khoa học, văn học và nghệ thuật mà người đó là tác giả.

Điều 28

Mọi người đều có quyền được hưởng trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó các quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.

Điều 29

1.       Mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất người đó có thể phát triển nhân cách của mình một cách tự do và đầy đủ.
2.       Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
3.       Trong bất cứ trường hợp nào, việc thực hiện những quyền và tự do này cũng không được đi ngược lại với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Điều 30

Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này.



Liên hiệp quốc ngày 10 tháng 12 năm 1948

Nguồn: VP Cao ủy Nhân quyền LHQ
(UN Office of the High Commissioner of Human Rights)